Các chuyên gia vẫn có cái nhìn lạc quan về thị trường bất động sản (BĐS) từ nay đến cuối năm, trong đó mỗi địa phương có những “mốc” phục hồi khác nhau. Dự kiến trong khoảng cuối tháng 10, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất tại Hà Nội sẽ đạt mức 100% so với thời điểm trước dịch.
Nhiều khu vực thị trường “đóng băng tạm thời”
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch tiếp theo và đặc biệt cao điểm trong cuối tháng 7, tháng 8 (khi nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thực hiện cách ly, giãn cách triệt để) thị trường BĐS quý 3 càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo ông Dũng, nguồn cung tại nhiều địa phương đặc biệt là tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị đình trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán; các BĐS giao bán trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước.
Thống kê sơ bộ, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60 -70% so với quý 2. Đặc biệt, lượng giao dịch BĐS thành công giảm mạnh. Tại các địa phương thực hiện giãn cách triệt để, hoạt động đi lại, giao dịch, kinh doanh BĐS của doanh nghiệp, người dân không thể thực hiện được; nhiều khu vực thị trường có hiện tượng “đóng băng tạm thời”.
Tỷ lệ hấp thụ các loại BĐS nhà ở đều chỉ đạt khoảng 40% lượng chào bán trên thị trường, riêng loại hình đất nền lượng hấp thụ đạt cao hơn, khoảng 50% lượng chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, giá chào bán, cho thuê BĐS hầu như không có biến động lớn.
Cuối năm hồi phục?
Dự báo về điểm phục hồi hoàn toàn, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, mỗi địa phương có những “mốc” phục hồi khác nhau. TP Hà Nội sẽ có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung nhanh và sớm nhất cả nước. Dự kiến trong khoảng cuối tháng 10, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất tại Hà Nội sẽ đạt mức 100% so với thời điểm trước dịch.
Tương tự, thị trường nhà đất miền Trung, cụ thể là TP Đà Nẵng, có thể phục hồi 100% nhu cầu giao dịch vào cuối năm nếu những điều kiện trên được đáp ứng.
Đối với thị trường TP HCM, đây vẫn là thị trường ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm cao nhất cả nước. “Nếu những thành quả chống dịch của thành phố được duy trì, việc mở cửa lại nền kinh tế thuận lợi, TP HCM có thể phục hồi hoàn toàn nhu cầu giao dịch nhà đất trong tháng 11”, ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hiệp Hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, thị trường không vướng phải khủng hoảng, vẫn duy trì lực, nhà đầu tư không bị tác động nhiều.
Đặc biệt, theo ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính- Tiền tệ quốc gia, vốn vẫn đang chảy vào thị trường BĐS. “Dòng tiền vào BĐS chưa bao giờ giảm. Tỷ trọng cho vay BĐS cho thấy, cho vay nhà ở tăng trưởng rất tốt và riêng cho vay nhà ở hiện nay chiếm 64%, khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Số doanh nghiệp kinh doanh BĐS mới vẫn tăng 11%. Đặc biệt lượng tiền trái phiếu ra thị trường 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp BĐS phát hành 108 ngàn tỷ, chỉ đứng sau khối ngân hàng”, ông Lực nói.
Giá BĐS 2 năm vừa qua tăng trên thế giới tăng khoảng 5,6%. Về xu hướng, ông Lực cho rằng sau dịch bệnh, xu thế là second home, nghỉ dưỡng xanh sẽ lên ngôi và đây không phải xu hướng đầu cơ ngắn hạn.
Theo Tiền phong